Hotline : 0909885247 Email : cskh.azone@gmail.com

Rừng gỗ du sam quý nhất Việt Nam

Ngày đăng: 08:47 PM 21/12/2018 - Lượt xem: 2247

 Gỗ du sam được đưa về trụ sở Khu BTNT Nam Nung.
 

Hàng chục cây gỗ du sam đại thụ trên đỉnh Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTNT) Nam Nung thuộc tỉnh Đắk Nông bị lâm tặc triệt hạ, hàng trăm mét khối gỗ được vận chuyển ra ngoài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Thậm chí khi công an đang điều tra vụ án, rừng gỗ du sam vẫn tiếp tục bị chặt phá không thương tiếc.

Điều đáng tiếc là tại Việt Nam, chỉ có Khu BTTN Nam Nung và một vài đỉnh núi đá vôi thuộc tỉnh Hà Giang còn lại gỗ du sam.

“Nghĩa địa” du sam

Xuất phát từ đường Hồ Chí Minh lúc 7 giờ sáng, đi bộ vượt qua hàng chục dốc cao, nhiều khe suối, đến hơn 3 giờ chiều chúng tôi mới tiếp cận được khu vực “đỉnh trời” - nơi có độ cao 1.500m, thuộc tiểu khu 1133, địa giới hành chính xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song. Một gốc cây du sam bị chặt, đường kính mặt cắt gốc còn lại hơn 1,8m, xung quanh là mùn cưa, bìa gỗ, lán trại của lâm tặc còn bỏ lại. Chỉ với cây du sam này, số gỗ bị lấy đi ước tính hơn 20m3. Càng vào sâu, mật độ cây du sam bị chặt hạ càng dày, toàn những cây to có đường kính từ 1,5 -2m.

Ngoài hiện trường chặt phá, dọc con những con đường do lâm tặc mới mở, nhiều đống gỗ du sam được tập kết, chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, việc khai thác gỗ du sam ở “đỉnh trời” đã diễn ra trong thời gian dài. Chắc chắn mỗi chuyến đi, lâm tặc phải mất cả tháng trời, với hàng chục người và xe công nông độ chế, lương thực, thuốc men… để bám trụ trong rừng già ẩm ướt. Còn để vận chuyển gỗ qua hàng chục đỉnh dốc, những khe suối trên núi Nam Nung, họ phải dùng loại xe REO độ chế, có cáp tời mỗi khi lên, xuống dốc nhưng đơn vị quản lý rừng và cơ quan chức năng đều… không biết.

 

 

Tất nhiên đến thời điểm này, không còn bóng dáng lâm tặc nào ở “đỉnh trời” mà rất đông kiểm lâm, công an đo đếm, khám nghiệm, thu gom gỗ tang vật. Cơ quan chức năng xác định có 33 cây gỗ su dam bị triệt hạ tại các tiểu khu 1132 và 1133 thuộc Khu BTTN Nam Nung. Chưa rõ tổng khối lượng gỗ du sam bị thiệt hại là bao nhiêu, song số gỗ còn sót tại hiện trường thu được đến thời điểm này là 110m3.

Ngoài du sam, cơ quan chức năng còn phát hiện 15 cây giổi và 2 cây kiền kiền bị triệt hạ, với khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường hơn 21m3. Ngày 9.11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk Song đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại tiểu khu 1133 Khu BTTN Nam Nung để điều tra, làm rõ.

Ai chịu trách nhiệm?

Làm việc với PV Báo Lao Động ngày 24.11, ông Đặng Xuân Lộc - Giám đốc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung - cho biết, du sam là loại gỗ họ thông, có mùi thơm đặc trưng và vân rất đẹp, thuộc nhóm quý hiếm IIa. Ở Việt Nam, ngoài Khu BTTN Nam Nung, chỉ có một địa điểm thuộc tỉnh Hà Giang mới có gỗ du sam. Cả khu bảo tồn rộng 22.000ha hình nón úp này, cũng chỉ có đỉnh cao nhất gồm các tiểu khu 1132, 1133 và 1618 là có gỗ du sam.

“Vừa rồi chúng tôi phát hiện một vụ cất giấu gỗ, mở rộng kiểm tra mới biết gỗ du sam bị chặt nhiều như vậy, nên thống kê kỹ lưỡng rồi báo cáo cấp thẩm quyền” - ông Lộc nói.

Câu hỏi đặt ra là hàng chục cây du sam bị chặt phá, nhưng tại sao lực lượng kiểm lâm không phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Ông Lộc cho biết: “Khu vực này trước đây do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa quản lý, đến tháng 5.2016 được sáp nhập vào Khu BTNT Nam Nung. Vụ việc đang điều tra nên chưa kết luận thời điểm rừng bị phá, nhưng theo biên bản khám nghiệm hiện trường thì gỗ bị chặt trước khi bàn giao cho chúng tôi”. Vậy tại sao khi đơn vị nhận bàn giao thực địa lại không phát hiện?

Ông Lộc nói: “Cả mấy nghìn hécta rừng, chỉ bàn giao thực địa trong một ngày, nên nếu có cũng không biết được”. Tuy nhiên, quá trình thu gom gỗ tang vật mới đây, chính kiểm lâm Khu BTTN Nam Nung đã phát hiện thêm 6 cây gỗ du sam bị chặt, dấu vết còn mới.

Ông Lộc thừa nhận 6 cây du sam này mới bị chặt, trách nhiệm của Khu BTTN Nam Nung. “Tôi cũng không hiểu vì sao công an khởi tố vụ án và tiến hành điều tra, mà gỗ du sam vẫn tiếp tục bị triệt hạ” - ông Lộc nói.

 

ĐẶNG TRUNG KIÊN