Ngày đăng: 12:53 PM 26/12/2018 - Lượt xem: 1527
Nhằm hạn chế những rủi ro với ngành gỗ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đánh giá tiềm năng, chiến lược giúp ngành gỗ phát triển bền vững. Hôm nay, 27/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững.
Được biết, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD tăng 12,6 % so với kim ngạch năm 2016, giá trị thặng dư xuất khẩu nước ta đang trên đà tăng với 4 thị trường lớn nhất lần lượt là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Kim ngạch từ 4 thị trường này trong năm chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường.
Mặc dù, ngành chế biến gỗ nước ta đang trên đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất nhưng ngành có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn do các thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam. Trước những khó khăn đó, đòi hỏi ngành chế biến gỗ cần có những thay đổi, nhằm bảo đảm cho sự phát triển mang tính bền vững.
Tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam gặp phải khó khăn từ chính sách bảo hộ mậu dịch dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nội địa. Đồng thời phải bảo đảm các tiêu chí trong chính sách quản trị tài nguyên khá nghiêm khắc của các nước này.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhận định, việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Phát triển xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang đến nhiều cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam hơn là thách thức. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Quyền, hiểu biết về vấn đề sở hữu trí tuệ ngành gỗ của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước rất hạn chế.
Vì vậy, ông kiến nghị nhà nước cần nhanh chóng hiện thực hóa tất cả cơ chế, chính sách khi tiến hành cam kết CPTPP. Nguyên nhân là, trong thực thi nghị định của hiệp định CPTPP sẽ liên quan tới rất nhiều đối tác không chỉ các doanh nghiệp gỗ, mà còn hộ gia đình trồng rừng, thương mại gỗ, vận tải gỗ, thương lái gỗ, chế biến gỗ … nhưng hiểu biểu của họ về vấn đề này là rất hạn chế.
Ngoài ra cơ chế quản lý dữ liệu, lưu chép trên bản cứng và bản mềm cần được đầu tư để đào tạo, hướng dẫn càng sớm càng tốt. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải tự vươn lên, học hỏi để phát triển hội nhập. Đồng thời phải sớm xây dựng hiệp hội trồng rừng để giúp xây dựng nguồn cung gỗ.
Đỗ Đạt